Nguyên nhân ,triệu chứng bệnh viêm hang vị dạ dày

Viêm hang vị dạ dày là gì?

Viêm hang vị dạ dày là tình trạng dạ dày bị tổn thương, cụ thể là viêm tại vị trí hang vị. Bệnh có những triệu chứng phổ biến như đau âm ĩ, cồn cào vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu…

Niêm mạc dạ dày là một lớp màng mỏng, có chức năng bảo vệ thành dạ dày khỏi các tác nhân gây hại cũng như acid. Khi lớp niêm mạc bị kích thích hoặc bị tổn thương sẽ dẫn đến tình trạng viêm

Tình trạng viêm hang vị dạ dày có nhiều nguyên nhân gây ra, phổ biến nhất là do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP). Vi khuẩn HP sau khi xâm nhập vào dạ dày sẽ cư trú và làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Từ đó, gây viêm và dẫn đến những triệu chứng bệnh.

Việc điều trị viêm hang vị dạ dày tương đối đơn giản, người bệnh có thể khỏi hoàn toàn bằng cách uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, người có bệnh sử bị viêm hang vị dạ dày có thể tái lại bệnh nếu không chăm sóc sức khỏe tổng quan lẫn tiêu hóa cẩn thận.

Viêm hang vị dạ dày tái phát nhiều lần hoặc kéo dài không được điều trị là một trong những nguyên nhân chính gây ra các biến chứng nguy hiểm như loét, xuất huyết, thậm chí thủng hay ung thư hóa. 

Nguyên nhân và các bệnh liên quan đến hang vị dạ dày

Nguyên nhân thường gặp nhất gây tổn thương dạ dày nói chung và hang vị nói riêng là nhiễm khuẩn Hp, nhóm nguyên nhân thứ hai gồm lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, các loại thuốc giảm đau nhóm NSAIDs không đúng chỉ định và nhóm thứ ba như chế độ ăn uống không điều độ, căng thẳng, stress…

Tổn thương dạ dày vùng hang vị có thể gây ra các bệnh lý từ nhẹ đến nặng như: viêm hang vị cấp tính, loét hang vị, viêm teo hang vị, U malt lymphoma hay thậm chí ung thư hang vị dạ dày.

1. Nhiễm khuẩn HP

Helicobacter Pylori là tên của một loại xoắn khuẩn, vi ái khí, gram âm, tồn tại trong lớp nhất chầy của niêm mạc dạ dày và gây ra các bệnh liên quan đến dạ dày

Vi khuẩn HP thông thường xâm nhập vào cơ thể người bằng đường tiêu hóa. Điều này liên quan lớn đến khu vực, môi trường và chất lượng sống. Khi vi khuẩn HP đã xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể âm thầm phát triển gây ra hiện tượng tăng nồng độ acid và đổi môi trường niêm mạc hang vị. Trong quá trình đó, người bệnh có thể sẽ không xuất hiện bất cứ triệu chứng gì.

2. Lạm dụng thuốc chống viêm NSAID

Thuốc chống viêm NSAID là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm hang vị dạ dày. Người bệnh cần tuân thủ vấn đề sử dụng nhóm thuốc giảm đau này theo y lệnh thầy thuốc, tránh tình trạng tự ý uống thuốc, có thể dẫn đến tổn thương dạ dày nặng

3. Căng thẳng, trầm cảm

Căng thẳng, trầm cảm là một trong những vấn đề điển hình từ sức khỏe tâm thần. Hệ thống thần kinh ruột có giao tiếp với hệ thống thần kinh trung ương. Chính vì vậy, các tình trạng như căng thẳng, trầm cảm đều có ảnh hưởng đến sức khỏe tiêu hóa.

4. Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học

Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học làm tăng nguy cơ mắc hang vị dạ dày. Việc ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều thức ăn khó tiêu, cay nóng là tác nhân dẫn đến các bệnh lý về dạ dày, bao gồm viêm hang vị dạ dày.

Bên cạnh đó, rượu bia và thuốc lá là nguyên nhân kích thích tăng acid bên trong thành dạ dày. Tình trạng này có thể dễ dàng dẫn đến bệnh viêm hang vị dạ dày ở người.

Một vấn đề khác, sinh hoạt giấc ngủ tuy không ảnh hưởng nhiều đến hang vị dạ dày. Nhưng giấc ngủ lại là yếu tố gây ra căng thẳng và những vấn đề về sức khỏe tâm thần khác. Đây là yếu tố gây ra viêm hang vị dạ dày tương tự như nguyên nhân căng thẳng và trầm cảm.

Triệu chứng viêm hang vị dạ dày

Mỗi người sẽ có những nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng sức khỏe khác nhau. Từ đó, bệnh sẽ gây ra những triệu chứng khác nhau. Ở một số trường hợp, viêm hang vị dạ dày có thể phát bệnh dưới dạng không triệu chứng.

Một số dấu hiệu viêm hang vị dạ dày mà người bệnh có thể nhận biết bệnh gồm:

  • Xuất hiện các cơn đau ở vùng thượng vị
  • Cảm giác đầy bụng, nóng rát ở thượng vị
  • Ợ hơi, ợ chua
  • Chán ăn
  • Buồn nôn và nôn
  • Nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen

Nếu như xuất một trong những dấu hiệu nêu trên trong thời gian dài, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán với bác sĩ chuyên môn sớm. Viêm hang vị dạ dày nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Chẩn đoán viêm hang vị dạ dày

Viêm hang vị dạ dày thường được chẩn đoán bằng phương pháp nội soi dạ dày. Bên cạnh đó, tùy vào nhu cầu, triệu chứng của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp.

Một số phương pháp chẩn đoán viêm hang vị dạ dày và nguyên nhân:

Nội soi dạ dày: Phương pháp nội soi dạ dày giúp xác định chính xác vị trí, mức độ tổn thương ở hang vị. Đồng thời qua nội soi có thể thực hiện CLO test là một test nhằm đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn Helicobacter pylori ở dạ dày.

Xét nghiệm máu: Mục tiêu của xét nghiệm máu là để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể chống lại khuẩn Hp trong máu người bệnh. Nhược điểm là nếu người bệnh trước đó nhiễm và đã được điều trị thì đôi khi xét nghiệm máu vẫn dương tính vài tháng sau đó. Chính vì vậy xét nghiệm máu không áp dụng cho kiểm tra hiệu quả điều trị Hp trước đó.

Test hơi thở: độ nhạy và độ đặc hiệu chẩn đoán Hp tương tự nội soi, là lựa chọn thay thế nội soi nếu chỉ đơn thuần cần xác định có nhiễm hay không nhiễm Hp dạ dày.


Mới hơn Cũ hơn